Như NewsFirstLine đã đưa tin trước đó, dự án Owifi 5G gắn mác “Blockchain 3.0” đang hoạt động dưới hình thức đa cấp mặc dù vẫn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã khuyến cáo người dân không tham gia đầu tư hay phát triển hệ thống kinh doanh của tổ chức này. Tuy nhiên những ngày gần đây tổ chức này vẫn tiếp tục các hành vi sai phạm, thậm chí mức độ còn trầm trọng hơn. Không chỉ dừng lại ở hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép, Owifi còn lừa đảo người tiêu dùng khi cung cấp một sản phẩm hoàn toàn kém chất lượng.
Sự việc bị phát giác khi tổ chức này tới gặp lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh để xin triển khai dự án. Họ thậm chí còn tặng sở này 1 cục Owifi 5G, thế nhưng không thể ngờ rằng, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh đã thẩm định sản phẩm này và cho thấy bản chất thật của nó hoàn toàn không giống như lời đồn thổi:
“Cục phát Wifi này ghi là 5G nhưng bản chất của nó chỉ là đến 5Ghz chứ không phải là công nghệ 5G. Tập đoàn Viettel và các đơn vị công nghệ mới đang thử nghiệm công nghệ 5G. Cục phát Wifi này không phát được 5G” – kênh truyền hình VTV trích lời Ông Nghiêm Văn Hách (Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Ninh).
Trên thị trường, một cục Wifi phát ở băng tần 5GHz có giá chỉ trên dưới 1,5 triệu đồng. Vậy nhưng Owifi lại đang được rao bán với giá 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng). Mức giá cắt cổ này tưởng chừng khó có thể tìm được khách hàng, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, nhiều người thậm chí còn xếp hàng để mong có thể mua được một cục Wifi này.
Vậy nguyên nhân do đâu? Hãy cùng xem cách mà Công ty công nghệ Blockchain CSE Singapore, tổ chức đứng sau dự án này quảng cáo:
“Khi sở hữu 1 bộ Owifi, quý vị có được 2 quyền năng. Quyền năng thứ nhất là ngủ mà tiền vẫn chảy về. Và thông báo 1 tin buồn là từ chối thì tiền nó cũng không chịu” – ông Phan Ngọc Vũ (đại diện Công ty CSE Singapore) nhận định.
Ngoài lãi 72%/năm, khi sở hữu bộ Owifi 5G, nhà đầu tư còn có cơ hội nhận được khoản tiền kếch xù thứ 2 đến từ việc người dùng truy cập vào bộ Wifi của mình. Mỗi 1 lượt người truy cập, nhà đầu tư sẽ có 1.000 đồng.
Nguồn ảnh: Vtv
Tổ chức này đã ra sức quảng bá, đánh trúng tâm lý và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của quần chúng. Thế nhưng, không nhà đầu tư nào ngờ rằng dự án hoành tráng này vẫn chưa được cơ quan chức năng ở Việt Nam cấp phép hoạt động.
Khi công nghệ ngày càng phát triển và trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống, vô số các ứng dụng đã được phát minh để mang lại tiện ích cho con người. Tuy nhiên bên cạnh đó, không ít kẻ xấu đã lợi dụng danh nghĩa công nghệ để trục lợi cho bản thân. Người dân nên hết sức cảnh giác và trang bị cho mình đầy đủ kiến thức để tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo.
Bạn đọc có thể quan tâm: Hàng Triệu USD Phí Gas ETH Bị Cáo Buộc Gây Ra Bởi Vụ Hack Trên Sàn Giao Dịch Tiền Điện Tử